HỌC QUA VÍ DỤ: PHƯƠNG PHÁP HỌC QUY NẠP


Thu Aug 11 773 Views

Hãy tưởng tượng rằng bạn là sinh viên năm nhất trong một lớp sinh học. Lớp học hôm nay nhằm trả lời cho câu hỏi: Sự sống là gì? Có hai cách để trả lời. 

Cách truyền thống (từ lý thuyết đến ví dụ)

Cách trực tiếp là xem xét danh sách đặc điểm mà các sinh vật sống có chung. Là người học, bạn có thể nghe bài giảng, xem video hoặc đọc sách giáo khoa. Bạn sẽ khám phá ra tất cả các sinh vật đều chuyển hóa năng lượng từ môi trường để duy trì các hoạt động sống. Thông tin cũng có thể bao gồm các ví dụ minh họa. Bạn sẽ biết rằng con người đang sống là ví dụ thực tế vì chúng ta ăn để lấy năng lượng chuyển hóa thành động năng, nhiệt năng và các phản ứng hóa học. Theo trình tự này — từ khái niệm đến ví dụ — bạn sẽ miêu tả được “Sự sống là gì?”

Cách thay thế (từ ví dụ đến lý thuyết)

Bây giờ hãy tưởng tượng một trải nghiệp học tập khác. Khi bạn đến lớp, giảng viên không dạy những gì chuyên gia nói. Thay vào đó, bạn bắt đầu với các ví dụ. Bạn được xếp vào một nhóm và được phát một danh sách gồm 5 sinh vật: lừa, rêu, vi khuẩn E.coli, tảo và xương rồng. Bạn được cho biết rằng những thứ này đang sống. Bạn cũng nhận được danh sách ba thứ không phải sinh vật sống: lửa, gió và một tảng đá. Nhiệm vụ của bạn là so sánh và đối chiếu các mục trong mỗi danh sách và suy ra các đặc điểm chung và duy nhất của tất cả các sinh vật.

Nhóm của bạn đưa ra giả thuyết. Có phải là khả năng tận dụng môi dụng trường sống để phát triển và sinh sôi? Bạn kiểm tra thử với các bằng chứng có sẵn. Đúng vậy, tất cả các sinh vật sống đều làm được điều đó, nhưng lửa cũng dùng oxy để cháy. Bạn phát hiện cách lấy oxy của ngọn lửa khác với xương rồng lấy oxy để phát triển. Các cuộc thảo luận sôi nổi diễn ra về ý nghĩa của “sự trao đổi chất”.

Sau khi nhóm của bạn đi đến thống nhất về những gì cấu thành nên sinh vật sống và không sống, bạn chia sẻ điều đó với cả lớp. Bạn thấy rằng các nhóm kia đã từ một loạt các ví dụ khác nhau đưa ra kết luận khá tương đồng. Lớp bạn lần lượt kiểm tra các giả thuyết của mỗi nhóm với nhiều đối tượng hơn. Cuối cùng, lớp bạn quyết định rằng “sự trao đổi chất” là cần thiết, nhưng không đủ để kết luận. Các đặc điểm khác cũng phải có. Và bạn nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Sự sống là gì?

Học tập quy nạp

Cách thứ hai này, bắt đầu từ ví dụ và yêu cầu tự suy ra các nguyên tắc chung, được gọi là phương pháp học quy nạp (hoặc học loại suy, thông qua so sánh hoặc ví dụ). Nghiên cứu cho thấy rằng đó là cách học hiệu quả hơn, giúp ta hiểu được sâu và rộng hơn. Kiến thức được lưu giữ lâu hơn và giúp học viên có khả năng áp dụng — thách thức lớn của giáo dục khi hầu hết gặp khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi sử dụng ví dụ được mô tả ở trên để tìm hiểu “Sự sống là gì?”, tôi nhận thấy rằng cách tiếp cận này gợi ra sự tò mò, đặt ra nhiều vấn đề và đem đến hiểu biết đa dạng hơn. Ngoài ra, tôi cũng thấy khi cố gắng để hiểu, học viên tự đưa ra các khái niệm, nâng cao sự tự tin vào khả năng suy nghĩ.

Phần lớn giáo dục chính quy dùng phương pháp suy luận — chỉ giảng về khái niệm, thay vì dạy cách quan sát và sử dụng tư duy để khái quát và nhận biết, bỏ lỡ cơ hội phát triển khả năng tự học.

Cách sử dụng phương pháp học quy nạp

Làm thế nào để thiết kế một bài giảng sử dụng phương pháp học quy nạp? theo nghiên cứu, có một số yếu tố chính.

  1. Các ví dụ

Đầu tiên là các ví dụ được chọn lọc trong một danh mục. Ít nhất, nên có hai ví dụ. Không nên quá nhiều khiến học viên khó ghi nhớ, nhưng cần có tài liệu để phân tích. Ví dụ, trong một khóa học báo chí, giảng viên có thể giới thiệu năm phần mở đầu từ các bài báo đã xuất bản và yêu cầu học viên chọn ra các yếu tố thường có. Hoặc, giảng viên có thể yêu cầu học viên đưa ra các bài báo mẫu mà họ thấy có đoạn mở đầu hiệu quả. Sau đó, theo nhóm, học viên so sánh và phân tích các ví dụ đã tổng hợp, tìm những điểm tương đồng và nêu rõ các yếu tố quan trọng đối với một đoạn mở đầu tốt.

  1. Các ví dụ khác nhau về ngữ cảnh

Có bằng chứng cho thấy rằng khi các ví dụ được sử dụng để so sánh quá phức tạp – chẳng hạn như các case study – thì không được có quá nhiều điểm tương đồng khiến người học nhầm lẫn. Ví dụ, nếu các sinh viên y khoa xem xét hai hồ sơ bệnh án của hai thợ sửa ống nước mắc bệnh sởi, họ có thể suy luận sai rằng có mối liên hệ giữa việc sửa ống nước và bệnh sởi. Thay vào đó, nên tìm các trường hợp khác nhau về ngữ cảnh để người học có thể xác định và tập trung vào các khía cạnh quan trọng để hiểu khái niệm.

  1. Các ví dụ tương phản

Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi có thêm các ví dụ ngoài danh mục, học viên sẽ làm tốt hơn. Các ví dụ tương phản này nên được đưa ra cùng lúc với các đối tượng trong danh mục. Nói thêm về ví dụ ở đoạn trước, người học nên đọc các đoạn giới thiệu tốt cùng lúc phân tích các đoạn kém. Cần đối chiếu để xem điều gì làm cho chúng khác biệt. Hãy đưa ra nhận xét khi kiểm tra giả thuyết của học viên.

  1. Hướng dẫn

Cuối cùng, học viên cần được hướng dẫn. Học tập quy nạp là một hoạt động có mục đích. Nghiên cứu đã nói rằng chỉ đưa ra các ví dụ không dẫn đến kiến thức. Học viên phải có ý thức về điều mà họ đang tìm kiếm: điểm chung của các đối tượng. Giáo viên có thể hỗ trợ thiết kế một hoạt động với một mục tiêu rõ ràng và dựa theo các câu hỏi với nguyên tắc chung.

Học tập quy nạp trong đánh giá lẫn nhau

Học tập quy nạp cũng có thể giúp người học hiểu hơn về lĩnh vực và công việc hiện tại. Giảng viên có thể cung cấp năm bài luận đã chấm điểm từ các lớp trước đây. Sau đó, người học được yêu cầu ghi lại  những gì quan sát được: Điều gì làm nên bài luận tốt hay chưa tốt? Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đánh giá so sánh như vậy giúp học viên hiểu rõ hơn về các tiêu chí, sau đó đưa ra  đánh giá sâu sắc hơn. Nói cách khác, việc yêu cầu học viên so sánh sẽ giúp họ hiểu rõ chất lượng công việc có ý nghĩa như thế nào. Loại chuyên môn này thường đòi hỏi thời gian để phát triển nhưng có thể được tăng tốc thông qua quá trình này.

Một hoạt động học tập quy nạp sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với việc chỉ truyền tải kiến thức, nhưng phần thưởng vô cùng xứng đáng: hiểu biết sâu rộng hơn, ghi nhớ lâu hơn, áp dụng kiến thức sang các tình huống mới tốt hơn và tăng sự tự tin vào khả năng suy nghĩ.

Khi tôi phải tách các nhóm ra để kết thúc lớp học vì mọi người vẫn đang mải mê thảo luận “Sự sống là gì?” và nghe họ tự hỏi, “Liệu vi-rút có sống không?” mà không cần tôi nhắc, tôi biết mình đã làm đúng.

 

Nguồn: https://www.facultyfocus.com/articles/course-design-ideas/learning-through-examples-inductive-learning/

Hà Phương lược dịch.