Hiệp hội tiếng Anh đầu tiên thành lập tại Việt Nam


Wed Mar 1 2971 Views
40113907-105308sm
PGS-TS Đỗ Huy Thịnh – Ảnh: Ngô Phi Bay

TS – Nhiều bạn đọc đã quan tâm đến quyết định thành lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại TP.HCM (TESOL-HCMC) của UBND TP.HCM. PGS-TS Đỗ Huy Thịnh – Giám đốc trung tâm khu vực SEAMEO tại VN -chủ nhiệm Hội cho biết: * Thưa TS, xuất phát từ đâu mà Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại TP.HCM ra đời?

– PGS-TS ĐỖ HUY THỊNH: Xuất phát từ đề tài nghiên cứu năm 2003, một trong kiến nghị của đề tài “Tìm hiểu thực trạng dạy và học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ khu vực TP.HCM nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo”, kiến nghị này thành lập TESOL-HCMC để tập hợp, trao đổi thông tin… từng bước một đưa việc giảng dạy tiếng Anh đến các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm làm thế nào chia sẻ thông tin, giảm ngắn những khó khăn không thuận lợi trong việc giảng dạy tiếng Anh để tiến tới hội nhập nhanh.

Nhu cầu thành lập hội có từ lâu, nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Đây là dịp nối kết đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh trong cả nước làm cầu nối chia sẻ từng bước hội nhập về giảng dạy tiếng Anh để tiến tới thành lập Hội TESOL quốc gia.

* Vậy mục tiêu và chiến lược cụ thể mà hội sẽ thực hiện trong những năm sắp tới là gì để rút ngắn khoảng cách về tiếng Anh giữa Việt Nam và thế giới, thưa TS?

– TESOL-HCMC sẽ cập nhật các thành tựu mới trong khu vực và thế giới thuộc lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, giúp hội viên cải tiến nội dung chương trình, giáo trình, hoàn thiện phương pháp giảng dạy và đánh giá nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, góp phần nâng cao khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh phục vụ hiệu quả cho quá trình hội nhập.

Các hội viên sẽ có cơ hội cùng trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy để xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh của khu vực và thế giới nhằm giúp hội viên có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhanh những phương pháp và kỹ thuật hiện đại và tiên tiến.

Đồng thời tiếp cận các tài liệu khoa học, sách báo, các ấn phẩm khác của khu vực và thế giới trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh để phổ biến rộng rãi cho các hội viên. Tạo điều thuận lợi để hội viên tham dự các cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.

* TS có nhận định gì về thực tế gần đây trong nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập, dù phát triển cao và thuận lợi hơn nhưng tình hình dạy và học tiếng Anh vẫn chưa có chuyển biến nhiều về chất lượng? Đâu là nguyên nhân chính của thực trạng trên?

– Tôi biết, tiếng Anh sau 7 năm học ở bậc trung học vẫn phải học lại từ đầu ở bậc đại học. Tiếng Anh vẫn là rào cản quan trọng trong du học, tuyển sinh, thi tốt nghiệp, thi tuyển công chức. Hiện tại, điều băn khoăn lớn nhất trong việc dạy và học tiếng Anh là làm sao sử dụng tiếng Anh có hiệu quả, đặc biệt trong giao tiếp.

Sách báo, tài liệu viết bằng tiếng Anh ngày càng nhiều nhưng số lượng người tiếp cận và sử dụng được thông tin cho công việc hằng ngày vẫn còn quá ít. Việc tiếp cận Internet không còn là điều khó khăn nhưng đủ vốn từ ngôn ngữ để khai thác được hết những ưu điểm của nó vẫn là vấn đề đáng bàn.

Phải nhìn nhận rằng từ phía giảng viên cũng còn nhiều hạn chế. Hiện có khoảng 10.000 giáo viên tham gia giảng dạy ở các loại hình đào tạo trên địa bàn TP.HCM, phần lớn đều thiếu điều kiện tham gia tập huấn về phương pháp và kỹ thuật giảng dạy mới.

* Như vậy, các giáo viên sẽ được tham gia tập huấn về phương pháp và kỹ thuật giảng dạy mới dựa vào tiêu chí nào?

– Trước mắt là phải hợp tác với tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức chuyên môn quốc tế mà lâu nay họ đã làm rất nhiều về những hoạt động này. Ví dụ SEAMEO tại Việt Nam có trung tâm SEAMEO tại Singapore nổi tiếng hàng đầu dạy tiếng Anh trên 40 năm tại châu Á, chúng ta có thể chia sẻ và kế thừa những kinh nghiệm đó. Đây là một nguồn chúng ta có thể mời qua để chia sẻ.

Vấn đề thứ hai là chúng ta tập huấn riêng cho khu vực ở Việt Nam như những nơi này nơi kia có hội nghị, hội thảo có liên quan đến việc giảng dạy tiếng Anh và cũng là điều kiện để người giảng dạy trực tiếp có điều kiện tiếp cận với thông tin mới về phương pháp, giáo trình và kinh nghiệm giảng dạy mà lâu nay trường lớp của họ khó phát huy.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến khả năng giới thiệu họ tham gia những hội thảo, hội nghị ở nước ngoài. Chẳng hạn, giới thiệu những thành tựu bên ngoài như báo chí, tài liệu có liên quan đến chuyên ngành về giảng dạy đưa vào trong nước; xây dựng tập huấn và mời bên ngoài vào, đưa những hình ảnh sống động mà khu vực, thế giới đang làm… Đó chính là điều kiện, phương tiện giúp hội viên có được chuyên môn nghề nghiệp.

* Thưa TS, TESOL-HCMC có thu nhận hội viên từ các tỉnh, thành khác? Bằng cách nào hội viên các nơi khác có thể liên lạc và gia nhập TESOL-HCMC?

– Hội viên các tỉnh, thành khác tại Việt Nam vẫn tham gia hiệp hội được, được gọi là hội viên liên kết. Hoạt động của các hội viên liên kết vẫn như các hội viên chính thức ở TP.HCM. Trong tháng 1-2006, ban vận động TESOL-HCMC xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội lần thứ nhất. Hội viên gia nhập TESOL-HCMC gửi thư về: Văn phòng Hội TESOL-HCMC, 35 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM; hoặc trao đổi qua email: tesolhcmc@gmail.com.
(Nguồn: Theo_Việt Báo)